Trang phụ 3 - Tai app

Khác biệt văn hóa uống cà phê giữa các miền Việt Nam

Người Sài Gòn và người Hà Nội đều xem cà phê là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tuy nhiên mỗi nơi lại có sự khác biệt không thể lẫn vào đâu được. Không so sánh nào là trọn vẹn, cũng chưa hẳn đã chính xác, nhưng phong cách và văn hóa vùng miền đã khiến người dân hai miền có cách thưởng thức cà phê khác nhau thật thú vị.

Người thưởng thức

“Cà phê không?” – người Sài Gòn vẫn thường hỏi nhau như vậy. Đó là câu cửa miệng, là cái cớ để rủ rê bạn bè, hay đơn giản chỉ như một thói quen với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Chỉ với cái gật đầu, ly cà phê trở thành thứ nối kết giữa hai hoặc nhiều con người với nhau. Họ có thể uống cà phê bất cứ giờ nào trong ngày, có thể vào buổi sáng sớm với tờ báo còn thơm mùi mực in, trên chiếc ghế đẩu bé xíu ngay tại lề đường. Cũng có thể là vào giữa trưa chang chang nắng, họ ồn ào chuyện trò trong những quán cà phê sang trọng mát lịm người. Lắm lúc, người Sài Gòn lại thức thật khuya nhấm nháp ly cà phê bên một người bạn thân, ngắm sự tĩnh lặng đến kỳ lạ của phố xá lúc lên đèn.

Người Hà Nội lại khác, chuộng cà phê nhất phải kể đến những bậc lão thành, dân kinh doanh đam mê công việc. Họ thường chỉ nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng trong không khí se lạnh và vài tia nắng len lỏi qua tán cây. Người Hà Nội không ngồi quá lâu, nhưng điềm nhiên chẳng vội vã. Đối với họ, thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật, ẩn chứa câu chuyện dài cần kể.


Khi thưởng thức cà phê, người Hà Nội điềm nhiên chẳng vội vã.

Địa điểm uống

Người Sài Gòn sống hiện đại, ưa phong cách mới, luôn muốn tìm tòi và khám phá. Cũng bởi vậy, quán xá Sài Gòn là muôn hình vạn trạng, để có thể phục vụ người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu. Người hoài cổ, đơn giản có thể đến với các quán cà phê vỉa hè, khe khẽ chuyện trò bên tách cà phê đặt trên bộ bàn ghế ươm màu thời gian. Người yêu sách lại tìm đến với cà phê sách, và cà phê là cái cớ để họ được thỏa mãn trong thế giới sách đầy màu sắc. Còn để phục vụ các bạn thanh thiếu niên, Sài Gòn không thiếu cà phê thú cưng, cà phê sân vườn, cà phê take away…



Khi thú cưng là niềm yêu thích thì quán cà phê cũng là nhà

Tại Hà Nội thì khác, do diện tích nhỏ hẹp mà người lại đông nên các quán cà phê cũng đơn giản hơn. Đó có thể là quán theo phong cách phố cổ, nhỏ và tối, hoặc ngồi một dãy ngay vỉa hè. Đặc biệt nhiều khi các vị khách còn sẵn sàng ngồi chung một bàn san sát nhau vì hết chỗ.

Nhưng sự khác biệt này đang dần xóa nhòa, do sự giao thoa văn hóa giữa hai miền ngày càng lớn. Tại Hà Nội, các quán cà phê sang trọng, đẳng cấp, diện tích lớn xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng, đưa đến cho người Hà Nội nhiều lựa chọn để thưởng thức cà phê theo nhu cầu. 


Cách gọi cũng khác…

Khi bước chân vào quán, người Sài Gòn muốn uống cà phê pha chút sữa, họ sẽ gọi cà phê sữa đá, cà phê sữa tươi hoặc bạc xỉu. Trong tiếng Quan Thoại, bạc xỉu là “Bạc tẩy phé xỉu”, thực chất là một thức uống có thành phần chính là sữa nóng và được thêm một chút cà phê. Bạc là màu trắng, chỉ sữa. Tẩy là cái ly không. Xỉu là tiểu, một chút. Phé là cà phê. Và bạc xỉu chính là sữa có hương vị cà phê. Do vậy, ba loại cà phê pha sữa của người Sài Gòn có độ caffein cũng như độ ngọt đậm nhạt khác nhau. Nhưng cà phê với sữa và đá được xem như một nét khó quên trong lòng những ai yêu hương vị cà phê Sài Gòn, đến nỗi khi đi xa cứ vương vấn mãi.

Riêng người Hà Nội, họ gọi món cà phê sữa là “nâu”. Chỉ đơn giản là “Nâu”, để phân biệt với “Đen”. Người uống đặt phin cà phê lên chiếc cốc có sẵn ít sữa đặc, đợi chờ từng giọt cà phê đen rơi nhẹ xuống hòa vào sữa, rồi dùng nóng hoặc với rất ít đá. Vì thế, cà phê sữa của người Hà Nội có vị đắng hơn so với Sài Gòn. Hà Nội hầu như không có bạc xỉu, nếu lúc nào đó người Hà Nội muốn bắt chước người Sài Gòn gọi một ly như thế, chắc chắn người đó sẽ được chủ quán ở Hà Nội tặng ánh nhìn đầy nghi ngại. Hiện nay, tên gọi của đồ uống này vẫn chưa phổ biến tại Hà Nội, dù một số quán cũng bắt đầu cập nhật vào thực đơn. Và trước khi người Hà Nội quen với “bạc xỉu”, hãy gọi “Cho một cốc cà phê ít cà phê và cực nhiều sữa!”, vậy thôi.
 

Và với thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột

Tại thủ phủ cà phê Việt, người Buôn Mê Thuột nói nhiều hơn về hương vị cà phê, mà không mấy quan tâm đến phong cách thưởng thức cà phê như Sài Gòn và Hà Nội. Đây là nơi trồng và sản xuất lượng cà phê lớn nhất Việt Nam, sở hữu những loại cà phê đặc biệt mà chỉ Buôn Ma Thuột mới có như cà phê sáng tạo, cà phê chồn, cà phê voi… 

Hầu hết, người dân Buôn Ma Thuột đều rất thích uống cà phê. Họ biết rõ nguồn gốc từ nơi đâu, thậm chí những người sành uống cà phê có thể có những gu uống cà phê riêng biệt để khẳng định thương hiệu cá nhân. Mỗi buổi sáng sớm, người ta thấy đầy ắp người dân ngồi rộn rã ở các quán cà phê khắp các nẻo đường của Buôn Ma Thuột trong bộ đồng phục của các công ty.


Cà phê vùng cao - mang đậm bản sắc dân tộc.

Người Buôn Ma thuột uống cà phê rất kỹ. Họ ưa thích những quán mà cà phê còn nguyên hạt và được rang xay tại chỗ. Với những người có gu thưởng thức hơn, họ còn có những yêu cầu khắt khe hơn như chọn lựa cà phê Robusta hay Arabica và tỉ lệ thành phần được pha trộn giữa hai loại này. Họ uống cà phê hằng ngày, như một thực đơn dinh dưỡng không thể thiếu. 

Người dân cũng quan tâm nhiều đến địa điểm uống cà phê, đó phải là các quán cà phê được thiết kế theo phong cách hướng về thiên nhiên, xung quanh được trồng những cây cà phê. Hoặc họ sẽ thưởng thức cà phê ở những nhà sàn của người dân tộc Ê-đê, để thỏa mãn cảm giác vừa uống cà phê vừa đắm mình vào không gian ngập hương thơm của những hoa cà phê trắng muốt. Và đó chính là phong cách của người Buôn Mê Thuột, một nét khác biệt chỉ có ở vùng Tây Nguyên đất đỏ bazan.

(Nguồn: www.vnexprees.net  & www.m.chiecthiavang.com )