Trang phụ 3 - Tai app

Những giống cà phê phổ biến tại Việt Nam

Ở Việt Nam, cà phê được trồng rộng rãi ở các vùng Tây Nguyên và một số vùng núi phía Bắc. Cà phê Việt Nam rất đa dạng về chủng loại, mỗi giống cà phê lại mang đến một hương vị cà phê khác nhau.

1.    Cà phê Arabica

Chủng cà phê Arabica có hạt hơi dài, ở Việt Nam có 3 chủng Bourbon, Typica, Catuai và Catimor.
Sự khác biệt của Arabica nằm ở cách chế biến. Người ta thu hoặc quả cà phê Arabica rồi lên men bằng cách ngâm nước cho nở, sau đó rửa sạch và đưa vào sấy. Cà phê Arabica mang hương vị chua thanh, đắng nhẹ, khi pha có màu nâu nhạt, trong trẻo màu hổ phách. Thành phần của Arabica có ít cafein và mang nhiều hương thơm. Đây là nguyên liệu chính của các hãng cà phê nổi tiếng nhất thế giới.

1.1. Typica

Typica là giống cà phê lâu đời nhất trên thế giới, nó chính là chủng cà phê đầu tiên được tìm ra. Hương vị của Typica rất được ưa thích bởi vị đắng pha ngọt, hòa quyện cùng vị chua thanh.
Typica có hình nón cao khoảng 3,5 – 4m, thân chính mọc thẳng, mọc xiên là nhiều thân phụ. Hiện nay, Typica được trồng nhiều nhất ở Cầu Đất (Đà Lạt) với sản lượng khoảng 3 tấn nhân cà phê/ năm. Do năng suất của Typica rất thấp nên từ 2001, khi giá cà phê tại Việt Nam xuống cực thấp, người ta bắt đầu chặt đi Typica và thay thế bằng những giống cà phê mang lại năng suất cao hơn. Ngày nay, để có được cà phê Typica thuần chủng tại Việt Nam khá khó khăn và sản lượng vô cùng hạn chế.

1.2. Bourbon

Bourbon xuất xứ từ một hòn đảo Pháp, được đưa vào Việt Nam từ 1875. Giống  cà phê này được trồng ở độ cao 1000 – 2000m và có năng suất cao hơn Typica từ 20-30%, với chất lượng cà phê tạo ra tương đương với Typica.
Cà phê Bourbon tùy thuộc vào từng chủng cụ thể mà khi chín có màu sắc khác nhau: vàng, cam, đỏ,… Loại cà phê này chứa một hàm lượng axit hữu cơ phong phú, có vị chua thanh, mùi thơm quyến rũ và hương vị hấp dẫn, hậu vị chua thanh khiến nhiều người mê đắm. Đây cũng được coi là giống cà phê thơm ngon hàng đầu của Việt Nam.

1.3. Catimor

Catimor là giống cây được lai tạo ở Bồ Đào Nha, du nhập vào Việt Nam từ năm 1984. Catimor thuộc giống cà phê cây thấp, cành có đốt ngắn, có thể trồng với mật độ dày, cây trưởng thành sớm. Giống cà phê này được lai tạo để có thể kháng bệnh gỉ sắt, loại bệnh làm cà phê bị rụng lá dẫn tới năng suất thấp và không ổn định. Thêm vào đó, Catimor có tán lá mọc che kín thân, hạn chế được sự phá hoại của sâu đục thân. Nhờ vậy, đây là giống cà phê cho năng suất cao, bằng hoặc hơn các giống cà phê thương mại khác.
 Cà phê Catimor có mùi thơm nồng nàn, giá xuất cao tuy nhiên chất lượng cà phê kém hơn so với các giống Arabica thuần chủng khác. Hiện nay Catimor là giống chiếm phần lớn sản lượng cà phê Arabica tại Việt Nam, được trồng tập trung ở các vùng Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng,…

 

1.4. Catuai
Catuai là một giống cà phê lai tạo, được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1980. Giống cà phê này có thân lùn, có khả năng chịu được những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên. Quả cà phê Catuai khi chín có màu vàng hoặc đỏ, nhân chủ yếu dạng tròn. Cà phê quả vàng có hương vị đậm đà hơn so với quả đỏ.

 

2. Robusta

Robusta là giống cà phê ngon nhất của vùng đất Tây Nguyên. Điều đặc biệt của Robusta là ở mỗi chất đất khác nhau, Robusta lại mang đến hương vị khác nhau. Robusta được trồng ở độ cao dưới 600m, thích hợp với nhiều loại địa hình nên được trồng rộng rãi, chiếm ⅓ sản lượng cà phê tiêu thụ trên thế giới.
Hạt cà  phê Robusta nhỏ hơn so với Arabica, khi không cần lên men mà sấy trực tiếp, nên vị đắng của Robusta chiếm chủ yếu, khiến các tín đồ cà phê nhớ mãi không quên.

Robusta có 2 dòng:

•    Robusta Sẻ
Đây là dòng Robusta thuần chủng, chất lượng đậm đà hơn các dòng cao sản, hạt nhỏ nhưng kết cấu chắc và nặng.
 
•    Robusta Cao Sản
Dòng Robusta cao sản có sản lượng lớn và năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nhưng chất lượng không ngon bằng dòng Robusta thuần chủng, được dùng để chiết xuất axit chlorogenic hoặc làm cà phê hòa tan.

 

3. Cherry

 Cà phê Cherry hay còn gọi là cà phê mít gồm có 2 giống chính:

•    Liberica

•    Exelsa.

Cà phê Cherry có thân cao, có khả năng kháng sâu bệnh rất tốt nên được ưa chuộng, sử dụng làm gốc ghép với các giống cà phê khác. Hạt cà phê mít có nhân to, thon dài tuy nhiên sản lượng không lớn. Để tạo những hương vị khác nhau, khi rang xay người ta dùng hạt cà phê mít trộn vào với các loại cà phê khác như cà phê vối, cà phê chè,..
 
 

4. Culi

Cà phê culi (còn gọi là cà phê Bi hay Peaberry) là những hạt cà phê tròn trịa như hạt đậu, có hàm lượng cafein cao, mùi hương thơm và vị đắng mạnh mẽ.
Cà phê Culi là những trái cà phê đột biến từ các chủng loại cà phê thông thường như Arabica hay Robusta nhưng thay vì trong trái cà phê có hai hạt cà phê thì cà phê Culi chỉ có duy nhất một hạt. Cũng chính vì thế nên hàm lượng cafein trong cà phê Culi cao hơn bình thường.Trong một đợt thu hoạch thì cà phê Culi chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng số lượng cà phê được  hái. Sau đó được tách riêng và rang riêng để đảm bảo chất lượng cà phê sau khi rang được ngon nhất.
Cà phê Culi Robusta có vị đắng mạnh hơn cà phê Robusta thông thường, hương thơm nhẹ, khi pha ra nước cà phê có màu nâu sóng sánh. Trong khi cà phê Culi Arabica có vị chua thanh độc đáo, mùi thơm nồng nàn hơn cà phê Arabica thông thường.

                                                

                                                     Hạt cà phê culi nhân                                                                                                Hạt cà phê culi sau khi rang

5. Moka
Cà phê moka là một trong những các dòng cà phê nổi tiếng thuộc chi Arabica. Ở Việt Nam, moke là cà phê hiếm, luôn có giá cao hơn các loại khác. Hạt moka lớn và đẹp hơn nhiều so với giống khác. Hương thơm của nó rất đặc biệt, rất sang trọng, ngây ngất, vị hơi chua một cách thanh thoát, dành cho người sành điệu.


 

 (Nguồn: Epicure Coffee Solutions + Viet Coffee + Cyclo Coffe)